Hoạt động khuyến công giai đoạn 2016 - 2020
Trong 5 năm qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã thực hiện được tổng số 153 đề án tổng kinh phí 13.802,97 triệu đồng về các hoạt động như hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề, nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật, mua sắm máy móc thiết bị, hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT, hỗ trợ phát triển hoạt động tư vấn và hỗ trợ công tác thông tin, tuyền truyền, hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp.
Đánh giá chung
Kết quả đạt được
Trong 5 năm triển khai thực hiện chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, cụ thể là:
- Để triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ/-CP, tỉnh Lào Cai đã ban hành hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm cụ thể hoá chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn Lào Cai.
- Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương về phát triển công nghiệp nông thôn đã được nâng lên một bước; môi trường đầu tư, thủ tục hành chính ngày càng được cải thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành
phần kinh tế hăng hái đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nông thôn.
- Các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ nhằm cụ thể hoá Chương trình khuyến công đã thực sự là "bà đỡ" cho các cơ sở sản xuất CNNT, thúc đẩy CNNT phát triển mạnh mẽ, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá.
- Chương trình khuyến công đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và khơi dậy tiềm năng phát triển một số ngành nghề có lợi thế phát triển của tỉnh; Khuyến khích được các cơ sở CNNT định hướng đầu tư đúng đắn, hiệu quả, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giúp các cơ sở phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế; Các chương trình, đặc biệt là chương trình đào tạo nghề, truyền nghề đã gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển đời sống văn hóa - xã hội của địa phương. Trong 5 năm thực hiện Chương trình, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp hàng năm tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Đến hết năm 2019, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 2.624 tỷ đồng; ước thực hiện năm 2020 đạt 3.150 tỷ đồng, gấp 2,66 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 21,62%/năm. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 6.534 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (154 doanh nghiệp, 90 HTX và 6.290 hộ cá thể), tạo công ăn việc làm cho 14.172 lao động, tăng 6.547 lao động so với năm 2015; thu nhập bình quân 4,75 triệu đồng/lao động/tháng, gấp 2 lần so với năm 2015.
Những tồn tại và hạn chế
Mặc dù qua 5 năm thực hiện các chính sách Khuyến công đã thu được những kết quả đáng khích lệ, song trong công tác triển khai, điều hành và nguồn lực để thực hiện chương trình còn không ít những tồn tại, hạn chế, cụ thể như sau:
- Sự vào cuộc của một vài địa phương, một số đơn vị, tổ chức chưa thật quyết liệt, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đôi khi còn chưa kịp thời; công tác tuyên truyền, phổ biến chương trình khuyến công, chính sách khuyến công chưa được rộng khắp nên nhiều đối tượng thụ hưởng chưa nắm bắt rõ được quyền lợi mà mình được lợi thế từ chính sách khuyến công; nhận thức của một số cơ sở sản xuất về chính sách khuyến công còn hạn chế (cơ sở sản xuất ngại tiếp nhận hỗ trợ từ
chính sách khuyến công vì sợ bị quản lý chặt chẽ từ Nhà nước, kiểm tra kiểm soát nhiều ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của đơn vị).
- Kết quả thực hiện chưa bám sát được theo nội dung Chương trình khuyến công giai đoạn của tỉnh đã đưa ra.
- Sự lồng ghép, thu hút các nguồn lực khác phục vụ chương trình khuyến công chưa được thực thi hiệu quả.
- Nguồn lực tài chính để thực hiện chương trình khuyến công hạn chế, thủ tục hỗ trợ phức còn tạp, mức hỗ trợ còn thấp, chưa gây được tác động mạnh mẽ đến đầu tư phát triển sản xuất trong khu vực công nghiệp nông thôn.
- Năng lực của tổ chức làm công tác khuyến công còn hạn chế (cơ sở vật chất thiếu, nhân lực thiếu), hình thức và nội dung của hoạt động chưa đa dạng, phong phú; mạng lưới khuyến công chưa có, dẫn đến hiệu quả công tác khuyến công chưa cao. Chưa có tổ chức, cá nhân nào tham gia hoạt động dịch vụ khuyến công.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
- Do Lào Cai là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn còn manh mún và nhiều hạn chế, giao thông đi lại còn khó khăn, trình độ hiểu biết của các cơ sở CNNT còn hạn chế, các cơ sở còn thiếu về vốn, yếu về công nghệ,… nên việc triển khai hoạt động khuyến công trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.
- Chưa có mạng lưới cán bộ khuyến công cấp huyện, cấp xã, công tác khuyến công cấp huyện do cán bộ các phòng Kinh tế, Kinh tế & Hạ tầng kiêm nhiệm nên chưa thực sự sát sao.
- Mức hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công Quốc gia cũng như địa phương theo quy định còn hạn chế, chưa thực sự đủ mạnh để tạo cú huých đối với các cơ sở sản xuất ở nông thôn, chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết cho các cơ sở nên các cơ sở chưa thực sự quan tâm.
- Cán bộ tham mưu về khuyến công cấp Sở và cấp huyện hầu hết chỉ có 01 biên chế nhưng phải thực hiện nhiều mảng công việc khác nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động khuyến công trên địa bàn.
Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện giai đoạn 2021 - 2025
Mục tiêu tổng quát
-Huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở phát huy các lợi thế của tỉnh. Huy động tối đa các nguồn lực khuyến khích phát triển công nghiệp, phát triển mọi thành phần kinh tế, phấn đấu đến năm 2025 Lào Cai trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển.
- Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần xây dựng nông thôn mới.
- Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Mục tiêu cụ thể
- Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt trên 5.310 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân trên 11%/năm.
- Tạo việc làm mới cho trên 3.000 lao động.
- Nâng quy mô cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp từ 1,27 tỷ đồng lên trên 2 tỷ đồng/cơ sở
- Thông tin tuyên truyền sâu rộng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động khuyến công, đặc biệt là nhận thức về lợi ích áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, góp phần tăng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn.
- Hoàn thiện quy trình quản lý và nâng cao năng lực tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công.
Các giải pháp chủ yếu
Thứ nhất, chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất nhanh việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hoạt động khuyên công đáp ứng kịp thời với yêu cầu thực tiễn; Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai đề án khuyến công, đảm bảo hoàn thành các đề án khuyến công được giao đúng tiến độ, sử dụng kinh phí đúng mục đích; Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến văn bản, quy định mới về công tác khuyến công để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công; Đổi mới đa dạng các hình thức thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin về công nghiệp, khuyến công…
Thứ hai, tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các huyện, thành phố; Nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức của Trung tâm khuyến công; Đẩy mạnh hoạt động tư vấn tạo nguồn thu và hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công; Việc xây dựng các chương trình, đề án khuyến công cần được tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế, quan tâm theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm…
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng phương thức hoạt động, chủ động tuyên truyền thông tin, đầy đủ kịp thời các cơ chế chính sách đến các cơ sở; tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công, phát huy lợi thế của cả vùng và của tỉnh.
Thứ tư, tăng cường hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ, phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thứ năm, huy động các nguồn lực tham gia hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm tăng thu nhập, thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thúc đẩy các địa phương xây dựng nông thôn mới.
Thứ sáu, tập chung vào hỗ trợ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để giảm thải ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, áp dụng sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng.
Thứ bảy, tập chung xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm đảm bảo có sự liên kết; có tác động lan tỏa, chú trọng phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, theo hướng phát huy tốt nhất lợi thế so sánh, nguồn lực sẵn có về tài nguyên, nhiên liệu thị trường và lao động của vùng, địa phương./.
Nguồn: Báo cáo Sở Công Thương ngày 20 tháng 5 năm 2020